Làng nghề sơn mài Bối Khê là một trong những làng nghề sơn mài nổi tiếng của cả nước và có lịch sử phát triển lâu đời, làng được xác định là làng nghề thuộc danh mục các dự án ưu tiên đầu tư phát triển làng nghề gắn với du lịch của Thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Làng nghề sơn mài Bối Khê thuộc xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên, Thành phố Hà Nội, cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 35km và trung tâm huyện Phú Xuyên khoảng 6km. Làng nghề Bối Khê là 1 trong 7 thôn thuộc xã chuyên mỹ, có quy mô diện tích khoảng 50ha, trong đó diện tích đất ở khoảng 17ha, còn lại là đất nông nghiệp.
Nghề Sơn mài Bối Khê
Sơn mài: Là cách gọi phối hợp giữa chất liệu (sơn) và động tác kỹ thuật (mài). Dựa vào các hiện vật khảo cổ thì các vật dụng có sử dụng chất liệu sơn đã có ở nước ta vào khoảng 2.500 năm trước. Sơn được trích từ cây sơn, cây sơn mọc nhiều ở vùng trung du Bắc bộ, nhiều nhất là ở Phú Thọ. Người xưa dùng sơn chế từ nhựa cây Sơn (gọi là sơn ta) để phủ lên các vật dụng hoặc đồ thờ cúng bằng gỗ, gốm… nhằm làm tăng thêm độ bền và sau đó phát triển dần sang tranh trang trí, vẽ thêm một số những đường nét, hoa văn, cảnh quan thiên nhiên để tạo thêm sự độc đáo cho sản phẩm.
Nghề sơn truyền thống chỉ giới hạn bởi các màu nền đen, đỏ sen, nâu cánh gián và các hoạ tiết vàng, bạc. Các nghệ nhân làm nghề sơn gọi là nghề “sơn son thiếp vàng”. Khoảng năm 1930 các hoạ sĩ trường Mỹ thuật Đông Dương như Trần Quang Trân, Phạm Hậu, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Gia Trí… đã phối hợp với nghệ nhân Đinh Văn Thành tiến hành thử nghiệm, đưa kỹ thuật sơn son thếp vàng vào làm tranh nghệ thuật. Thuật ngữ “Sơn mài” và “tranh Sơn mài” có từ đó.
Sơn mài là ưu điểm độc đáo của Mỹ thuật Việt Nam, là sự tìm tòi và phát triển kỹ thuật của lớp nghệ sĩ đàn anh đã đưa nghề sơn (nghề sơn ta) thủ công truyền thống của Việt Nam thành kỹ thuật sơn mài. Tuy nhiên, từ dùng để gọi sơn mài thường được hiểu sang các đồ dùng sơn mỹ nghệ của Nhật, Trung Quốc. Thật ra, kỹ thuật mài là điểm khác biệt lớn giữa đồ thủ công mỹ nghệ nước ngoài và tranh sơn mài Việt Nam.
Tương truyền rằng cụ tổ nghề sơn có tên là Trần Lư – người làng Bằng Vọng, huyện Thượng Phúc, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam (nay là xã Vân Bình, huyện Thường Tín, Hà Nội). Năm 1527 dưới thời Mạc Đăng Dung, cụ được cử đi xứ Trung Quốc. Từ Trung Quốc mà cụ đã học được nghề làm sơn đem về dạy cho dân, trước là quê hương cụ. Điều này đã được khẳng định trong cuốn gia phả “Bình Vọng Trần thị gia phả” viết bằng chữ Hán, hiện còn lưu giữ ở Trung tâm Khoa học Xã hội.
Từ làng Bằng Vọng ban đầu, sau đó nghề sơn đã phát triển rộng khắp. Bối Khê là một làng thuộc phủ Thường Tín xưa kia, cùng với làng Bằng Vọng, từ đó nên nghề sơn được phát triển rất sớm. Trước năm 1954, những người thợ Bối Khê chủ yếu đi làm lưu động, tổ chức thành các phường thợ (thường gồm những người là anh em họ hàng), có người thợ cả đứng đầu. Sản phầm của làng nghề thời kỳ này chủ yếu là các đồ thờ, phục vụ công trình tôn giáo, tín ngưỡng.
Những thập niên 60, 70 của thế kỷ trước được xem là thời kỳ thịnh vượng của người dân làng Bối Khê do nhu cầu xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ sang Liên Xô (cũ) và Đông Âu rất lớn. Cả xã có tới 4 Hợp tác xã Sơn mài là Trường Sơn ở Bối Khê, Ngọ Hạ, Mỹ Thịnh ở làng Trung và Hợp Thành ở làng Thượng.
Giai đoạn 1989 – 1991, thị trường xuất khẩu duy nhất của hàng thủ công mỹ nghệ là Liên Xô và Đông Âu không còn nên nghề Sơn Mài phải ngừng sản xuất. Tuy nhiên, kể từ năm 1996, nghề này lại bắt đầu được khôi phục và không ngừng phát triển.
Đặc điểm nghề truyền thống
Các nghệ nhân làng Bối Khê đã cho ra đời rất nhiều sản phẩm đa dạng, từ các nhóm hàng truyền thống như: sơn son thiếp vàng, hoành phi câu đối, tượng Phật với màu sắc lộng lẫy và bền chắc với thời gian để dùng trong các công trình tín ngưỡng… đến các sản phẩm hiện đại đáp ứng thị hiếu, nhu cầu của khách hàng trong và ngoài nước như bát, đĩa, lọ hoa, khay, tranh sơn, tranh khảm…
So với làng nghề sơn truyền thống khác ở châu thổ Bắc Bộ, như làng nghề Cát Đằng (Nam Định, làm nghề sơn quang dầu, sơn mài chắp), Đình Bảng (Bắc Ninh, làm sơn then), Hạ Thái, (Hà Nội, làm sơn mài)…, làng nghề sơn mài Bối Khê mang nét độc đáo riêng với mặt hàng sơn mài khảm, trải qua một quy trình chế tác gồm nhiều công đoán phức tạp. Trung bình, một sản phẩm sơn mài khảm từ cốt mộc đến khi thành phẩm phải trải qua khoảng 12 nước sơn và mất chừng 1 tháng để hoàn thiện 1 lô sản phẩm.
Sản phẩm sơn mài Bối Khê hiện nay được chia làm 3 loại chính là:
- Sơn mài khảm trứng;
- Sơn mài khảm trai;
- Sơn mài bạc.